Bão số 4 đổ bộ vào đất liền và suy yếu, nhưng các địa phương miền Trung đã cảnh giác ứng phó cao độ, di dời dân trước nỗi ám ảnh sạt lở từng xảy ra trước đó…
Chiều qua 19.9, bão số 4 đổ bộ trực tiếp vào khu vực 2 tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Sau khi đi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với hoàn lưu gây mưa lớn có nguy cơ gây ngập lụt tại các vùng trũng và sạt lở đất tại các vùng cao.
Kịch bản di dời “khủng”
Sáng qua 19.9, nhiều đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Ở khu vực đồi Phòng Không (xã Đức Hóa, H.Tuyên Hóa), nơi có 37 hộ dân sinh sống, đỉnh đồi đã xuất hiện nhiều vết nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao.
Dẫn đầu đoàn kiểm tra tại đây, ông Trần Hải Châu, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, yêu cầu chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan khảo sát kỹ địa hình, kịp thời có phương án, giải pháp khắc phục, bảo đảm an toàn cho đời sống, sinh hoạt của người dân. Ông Châu cũng kiểm tra tình hình thực hiện khu tái định cư thôn Đạm Thủy (xã Thạch Hóa, H.Tuyên Hóa).
Một ngày trước, khi áp thấp nhiệt đới chưa mạnh lên thành bão, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã họp khẩn bàn phương án ứng phó và thông tin về các vùng có nguy cơ lở đất, lũ quét được đặc biệt chú ý. Qua kiểm đếm, toàn tỉnh Quảng Bình có đến 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển. Trong đó, 10 điểm thuộc diện có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Ngay trong đêm 18.9, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Xèng, Đồn biên phòng Ra Mai cùng chính quyền các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa (H.Minh Hóa) đã kịp tổ chức di dời 105 hộ (506 nhân khẩu) rời khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt. Hôm qua 19.9, lực lượng biên phòng Quảng Bình vẫn đang duy trì 42 tổ với 120 cán bộ, chiến sĩ để bám sát địa bàn.
Với Quảng Trị, ngày 18.9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh này đã lên hàng loạt phương án di dời dân, đặt ra nhiều “kịch bản” để ứng phó tùy theo tình hình thực tế. Ít nhất 1.471 hộ với 4.411 nhân khẩu vùng ven biển thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ nằm trong danh sách di dời khẩn cấp. Ngoài ra, kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra lũ quét cũng liệt kê chi tiết 2.393 hộ dân (9.683 nhân khẩu) tại một vùng rộng lớn gồm 36 xã thuộc 5 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ cùng với TX.Quảng Trị, TP.Đông Hà. Kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất cũng có danh sách “khủng”: 1.295 hộ (5.924 nhân khẩu) tại 27 xã thuộc 4 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh. Thực tế, tính đến chiều tối qua 19.9, Quảng Trị đã di dời 1.073 hộ dân.
Hôm qua, Thừa Thiên-Huế cũng sơ tán 225 hộ dân sống dưới chân núi và khu vực nguy cơ sạt lở tại các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền. Chiều qua 19.9, các hộ đã trở về nhà. Thực tế di dời này không nhiều như phương án ban đầu (di dời 16.349 hộ dân trong tình huống bão số 4 đổ bộ, di dời 3.743 hộ dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất). Danh sách 27 vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn Thừa Thiên-Huế đã được Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cập nhật sớm, ngay khi có tin bão ngoài Biển Đông. Trong đó, nhiều điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở cao ở địa bàn H.Phong Điền, TX.Hương Trà, H.Nam Đông và tuyến đường Hồ Chí Minh được đưa vào danh sách “đặc biệt theo dõi”, có phương án di dời dân.
Theo dõi từ sớm
Sau trận mưa từ ngày 18 đến rạng sáng qua 19.9, nhiều điểm sạt lở nhỏ đã xuất hiện trên địa bàn xã Trà Cang (H.Nam Trà My, Quảng Nam) cùng với tình trạng nứt nền nhà của các hộ dân. Đặc biệt, tại làng Tak Chay (thôn 5, xã Trà Cang), đường sá sạt lở tạo vết nứt đất, gây nguy cơ xảy ra sạt lở trên diện rộng.
Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cho biết sáng qua chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp 19 hộ dân làng Tak Chay (hơn 90 nhân khẩu) đến nơi ở tạm, xen ghép. Nhà cửa của người dân cũng được dời đến nơi khác. Trên địa bàn toàn H.Nam Trà My, hôm qua có 51 hộ dân (164 nhân khẩu) ở các điểm nguy cơ sạt lở cao được chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.
Phòng ngừa nguy cơ sạt lở, tại miền núi cao Nam Trà My, từ cuối tháng 8 năm nay, chính quyền xã đã kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và đội xung kích, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phân công cán bộ đứng điểm các thôn. Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, huyện đã cho rà soát, xác định 39 khu dân cư có nguy cơ sạt lở, phải tính toán chuyện sơ tán 6.528 người dân né mưa bão, sơ tán 5.252 người dân né sạt lở đất.
Ông Lê Đình Lực, Phó chủ tịch UBND xã Trà Leng (H.Nam Trà My), cho hay chính quyền cơ sở cũng đã cử lực lượng đi kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở trước khi bão số 4 đổ bộ.
Tương tự, ở TP.Đà Nẵng, khi kiểm tra tình trạng sạt lở đèo La Ngà tại xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) hôm 18.9, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó bí thư thường trực Thành ủy, cũng đã thống nhất với đề xuất lắp đặt các camera để theo dõi, giám sát tình hình khu vực này để cảnh báo sớm, tránh bị động. Kiểm tra tình hình của 7 hộ dân thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc nằm gần khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ông Vĩnh chỉ đạo chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ, có phương án di dời. Về lâu dài, H.Hòa Vang phối hợp với các sở, ngành khẩn trương triển khai dự án di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở đất.
Phát hiện vết nứt trên núi, di dời dân khẩn cấp
Đến 18 giờ 45 hôm qua 19.9, việc sơ tán 11 hộ dân (41 nhân khẩu) tại khu dân cư 56B, xã Đắc Pre, H.Nam Giang (Quảng Nam) và di chuyển tài sản khỏi khu vực sụt lún mới hoàn tất, sau khi phát hiện ngọn núi gần khu dân cư có vết nứt sâu. Chính quyền xã Đắc Pre phối hợp với Đồn biên phòng Đắc Pring (H.Nam Giang) huy động lực lượng hỗ trợ sơ tán dân. Vết nứt có độ sâu 1,3 – 5 m, dài 120 m ở ngọn núi phía sau khu dân cư 56B, một số điểm bị sụt lún theo tầng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận định khu vực này đã bị ngấm nước do ảnh hưởng mưa lớn của cơn bão số 4 và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Hiện Đồn biên phòng Đắc Pring cắt cử tổ công tác làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng tại chỗ, kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngập lụt nhiều nơi
Sáng qua 19.9, mưa lớn kéo dài tại Quảng Trị khiến mực nước các đập, ngầm tràn trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông dâng cao từ 0,3 – 1 m, một số thôn bản bị cô lập. Khu tái định cư bản Cựp (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa) sạt lở nhẹ, một số hộ dân được di dời để đảm bảo an toàn. Tại TT.Cam Lộ (H.Cam Lộ), một hố sụt đã xuất hiện trong khu vực vườn nhà của người dân sâu 5 m, rộng 1 m.
Tại Quảng Bình, nhiều tuyến đường ở TP.Đồng Hới bị ngập cục bộ. Các ngầm tràn ở bản K – Ai (xã Dân Hóa), ngầm CuPi, Tà Cổ (xã Trọng Hóa, cùng H.Minh Hóa) nước dâng cao từ 0,5 – 1 m, gây tắc đường. Trưa 19.9, sạt lở xảy ra tại xã Minh Hóa (H.Minh Hóa) khiến nhà cửa của một hộ dân bị nứt. Đồn biên phòng Cà Xèng, Đồn biên phòng Ra Mai (Quảng Bình) đã phối hợp chính quyền địa phương vận động tổ chức di dời 105 hộ (506 nhân khẩu) thuộc các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa (H.Minh Hóa).
Tại Quảng Nam, mưa lớn làm cho taluy dương sau điểm trường Răng Chuỗi (thôn 1, xã Trà Tập, H.Nam Trà My) bị trôi tuột, nước bên ngoài ép tràn vào phòng học. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn ở xã Trà Tập bị sạt lở. Đặc biệt, khối đất đá sạt lở trôi sát làng Lăng Lương, uy hiếp 22 hộ dân với 95 nhân khẩu. Các điểm trường Tong Pua, Lâng Loan ở thôn 3 xã Trà Cang có hiện tượng đất đá sạt trượt… Tuyến đường ĐH5 đi Trà Vân (cùng H.Nam Trà My) bị sạt 2 điểm tại khu vực làng ông Sinh và làng ông Bích; tuyến đường trên địa bàn xã Trà Don bị sạt 5 điểm, trong đó 2 điểm bị sạt lớn. Mưa lớn còn gây sạt lở taluy âm tuyến đường ĐH3, Trà Cang, ĐH1 Trà Dơn – Trà Leng. Vùng cao Quảng Nam có 51 hộ dân (164 nhân khẩu) được sơ tán khẩn cấp.
Nhiều nơi mưa to, gió lớn
Tại Hà Tĩnh, từ đêm 18.9 đến chiều tối 19.9, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa to, gió lớn, biển động dữ dội. Riêng vùng đất liền ven biển ở khu vực phía nam tỉnh này từ trưa 19.9 đã có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7. Đặc biệt, khoảng 9 giờ ngày 19.9, mưa lớn kèm gió giật mạnh đã gây ra trận lốc xoáy khiến 14 nhà dân ở thôn Nguyễn Huệ (xã Kỳ Xuân, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị tốc mái.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cho biết sáng 19.9, chính quyền xã này phối hợp với lực lượng công an chủ động di dời 13 hộ dân với 36 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn.
Tại H.Thạch Hà (Hà Tĩnh), chính quyền sở tại cũng đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực với 431 tàu thuyền (ca nô, xuồng, thuyền máy), 3.491 áo phao, 1.054 phao cứu sinh… để khi cần thiết sẽ thực hiện sơ tán 2.259 hộ dân với 6.389 nhân khẩu nằm ở vùng thấp trũng, nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Cùng ngày 19.9 tại Thanh Hóa, hầu hết khu vực đều có mưa vừa đến mưa to, và đã xảy ra một số sự cố do mưa. Khoảng 10 giờ 30, mưa to, kèm gió giật đã làm một cành xà cừ cỡ lớn trong sân Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên H.Hà Trung bị gãy, rơi xuống trúng người một nữ giáo viên khiến nạn nhân bị đa chấn thương phải nhập viện điều trị. Cành cây xà cừ còn đè trúng 4 ô tô con đang đỗ ở sân trường gây hư hỏng nặng.
Cũng trong ngày 19.9, UBND H.Lang Chánh đã phải tổ chức di dời 263 học sinh và 13 cán bộ, giáo viên Trường THCS Lâm Phú (xã Lâm Phú, H.Lang Chánh), do dãy nhà 2 tầng (8 phòng học) đang xây dựng (đã hoàn thành khoảng 80%) bị sạt lở, khoảng 6.000 m³ đất đá tràn vào trong nhà. Tại H.Bá Thước, mưa do bão số 4 đã gây sạt lở đồi phía sau khu dân cư ở thôn Khung (xã Thiết Kế), buộc 7 hộ gia đình với 35 nhân khẩu phải sơ tán đến nơi an toàn.
Nguồn:thanhnien.vn