(Dân trí) – Một trợ lý của tổng thống Ukraine cho biết Kiev không còn lên kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình thứ hai về chấm dứt xung đột với Nga.
“Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai sẽ không diễn ra vào tháng 11”, Darya Zarivna, trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo hôm 8/10.
Trước đó, Kiev từng kêu gọi Moscow tham dự hội nghị lần hai, dự kiến vào tháng 11, để tìm cách chấm dứt xung đột với Nga, tuy nhiên Moscow nhiều lần phát tín hiệu từ chối.
Theo bà Zarivna, công tác chuẩn bị cho hội nghị hòa bình vào thời điểm khác đang được tiếp tục, với “các cuộc họp chuyên đề” được tổ chức riêng cho từng điểm trong kế hoạch hòa bình để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện.
Bà Zarivna cho biết cuộc họp chuyên đề cuối cùng nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo sẽ diễn ra tại Canada vào cuối tháng 10.
Tổng thống Zelensky đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên vào tháng 6 tại khu nghỉ dưỡng Luzerne của Thụy Sĩ, nơi ông tìm kiếm sự ủng hộ cho công thức hòa bình của mình. Nga không được mời tới dự hội nghị và sự kiện này cũng không đạt kết quả như mong muốn của Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên cho Ukraine đã diễn ra ở Thụy Sĩ với hơn 90 quốc gia tham dự. Tuy nhiên, chỉ có 80 quốc gia ký tuyên bố chung. Nhiều chuyên gia nhận định hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên do Ukraine tổ chức là “nỗ lực của phương Tây nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev thay vì đặt mục tiêu thực sự là tìm kiếm một kết thúc cho cuộc xung đột”.
Trên thực tế, việc không có sự tham dự của Nga hay Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh kết thúc với cam kết mơ hồ về một lần gặp tiếp theo nhưng không có kế hoạch cụ thể.
Điện Kremlin hồi tháng 6 cho biết hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về Ukraine đã mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức đàm phán mà không có Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng kết quả của cuộc họp là “gần bằng 0”
Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng trước, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã trình bày một kế hoạch chiến thắng với Tổng thống Joe Biden và cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới, gồm Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù các chi tiết chính xác của kế hoạch chiến thắng vẫn chưa được công khai, nhưng được cho là gồm 5 điểm: phương Tây tăng cường viện trợ tài chính và kinh tế cho Kiev, kết nạp Ukraine vào NATO và EU và cho phép tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Nga đã cảnh báo điểm cuối cùng trong kế hoạch chiến thắng của Ukraine đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp của Mỹ và các đồng minh vào cuộc xung đột, điều này sẽ dẫn đến đòn đáp trả tương xứng. Sau đó, Nga tuyên bố cập nhật học thuyết hạt nhân của nước này.
Nga đã loại trừ khả năng tham gia các hội nghị hòa bình của Tổng thống Zelensky, bác bỏ mọi cuộc thảo luận về công thức hòa bình được cho là vô ích và vô nghĩa của nhà lãnh đạo Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một loạt các điều khoản cho lệnh ngừng bắn với Ukraine vào tháng 6, bao gồm phi phát xít hóa và từ chối tư cách thành viên NATO của Ukraine một cách có ràng buộc về mặt pháp lý.
TheoRT
Nguồn:dantri.com.vn