TRÁ HÌNH – Phía Sau Hệ Thống An Sinh Là Chiêu Trò

VTV.vn – Việc mở chuỗi cửa hàng dân sinh không hề mang lại lợi nhuận, tuy nhiên việc duy trì chuỗi cửa hàng lại giúp đối tượng cầm đầu tạo vỏ bọc để lôi kéo người khác tham gia.
Thủ đoạn lừa đảo bằng chiêu thức kinh doanh tiền ảo của công ty “Triệu nụ cười”
Khám xét trụ sở Công ty Triệu nụ cười có dấu hiệu lừa đảo
Cửa hàng dân sinh cùng chiếc thẻ “thần kỳ”

Tiếp tục câu chuyện về thủ đoạn tinh vi của Công ty Cổ phần “Triệu nụ cười”, để người dân và các doanh nghiệp tin tưởng chuyển tiền tham gia mua đồng tiền ảo QFS, theo cơ quan điều tra, đối tượng cầm đầu đã tạo dựng kịch bản vô cùng tinh vi bằng cách xây dựng hình ảnh về một tập đoàn an sinh, vì lợi ích của người dân. Trong đó, điển hình nhất là việc liên tục mở ra và tổ chức khai trương hoành tráng các cửa hàng dân sinh kinh doanh thực phẩm ở khắp các tỉnh thành để làm vỏ bọc.

Trước khi hành vi lừa đảo trong kinh doanh tiền ảo của Công ty Cổ phần “Triệu nụ cười” được cơ quan công an làm rõ, nhóm phóng viên Chương trình Chuyển động 24h đã thâm nhập, ghi lại những hình ảnh về hoạt động của những chuỗi cửa hàng dân sinh của tập đoàn này.

Màn cười tập thể đã mở đầu buổi khai trương cửa hàng dân sinh “Triệu nụ cười” ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Trong niềm vui hân hoan, lãnh đạo tập đoàn này không ngần ngại chia sẻ mục tiêu trong thời gian tới.

“Ngày hôm nay cửa hàng dân sinh “Triệu nụ cười” đã có mặt tại Thái Bình sau hoạt động khai trương tại Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên… Mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ triển khai 300 cửa hàng tại tất cả các tình thành. Mọi người có đồng lòng quyết tâm không ạ?” – đại diện của công ty nói.

Khai trương cửa hàng cần đến sự đồng lòng của khách hàng. Bởi phía công ty triển khai chương trình đổi thẻ tiêu dùng với quyền lợi quá hấp dẫn.

Theo chính sách của công ty, nếu sở hữu thẻ tiêu dùng, đều đặn một tháng 4 lần, người tham gia sẽ được mua hàng miễn phí vào ngày cuối tuần với tổng giá trị đơn hàng mỗi lần là 500 ngàn đồng. Và áp dụng đối với tất cả các cửa hàng dân sinh trong hệ thống.

Điều khiến nhiều người bất ngờ nhất, không chỉ là không khí hoành tráng, sôi động, tràn ngập tiếng cười của buổi lễ khai trương mà chính là những thông tin liên quan đến chiếc thẻ tiêu dùng do doanh nghiệp phát hành. Thực sự, nếu đúng như những lời hứa hẹn, thì ai sở hữu chiếc thẻ đó chính là đang sở hữu chiếc thẻ thần kỳ: Bỏ 1 mà được ngay 10. Chính vì sức hút của chiếc thẻ này mang lại, nên phía doanh nghiệp nhanh chóng thu hút người tham gia và liên tục khai trương các cửa hàng tương tự ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Từ cơ sở đầu tiên được khai trương vào ngày 3/8 năm nay, tại khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội…. sau đó liên tiếp các cửa hàng tiêu dùng dân sinh trong cùng hệ thống của tập đoàn Triệu nụ cười đã được khai trương tại các tỉnh thành như Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế…. Thậm chí, có khi trong cùng một tỉnh, doanh nghiệp này đã khai trương được 2 thậm chí 3 cửa hàng với cùng một mô hình hoạt động. Đến thời điểm hiện nay, theo thống kê của cơ quan điều tra, công ty Triệu nụ cười đã lập ra 27 cửa hàng ở 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thủ đoạn lôi kéo người dân mua thẻ tiêu dùng dân sinh

Nhanh chóng mở các cửa hàng trong hệ thống ở khắp nơi là thực tế mà ai cũng thấy. Nhưng điều quan trọng hơn là là việc duy trì hoạt động của các cửa hàng này sau khi khai trương như thế nào, để đảm bảo quyền lợi cho những người mua thẻ mới là thứ cần phải quan tâm đến.

Bên trong cửa hàng dân sinh “Triệu nụ cười” ở Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đủ loại hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm… được bày bán. Số lượng các mặt hàng đều khá phong phú và rõ ràng nguồn gốc xuất xứ. Theo chia sẻ của một nhân viên, lợi nhuận không phải là mục tiêu chính.

Nhân viên cửa hàng nói: “Nhà em là cửa hàng an sinh mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng chứ không phải mở cửa hàng mang lợi nhuận kinh doanh. Cho là chính, cách cho là khác. Vì siêu thị chỉ cần duy trì đem lại người dùng thẻ. Nhân viên được trả lương chứ không phải là duy trì cửa hàng này để trả lương cho bọn em”.

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(2030177);}else{parent.admSspPageRg.draw(2030177);}

Một hệ thống cửa hàng tiêu dùng với chính sách tốt chưa từng có, khi chỉ “cho là chính”. Để thu hút người tham gia sớm, theo chính sách của công ty, càng chậm tham gia thì số tiền mua thẻ về sau sẽ càng tăng thêm, nghĩa là phải mua với mức giá cao hơn.

Nhân viên cửa hàng dân sinh “Triệu nụ cười” ở Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên nói: “Công ty người ta đã đưa ra quy định là ngay từ ban đầu có 5 mức. 5 giai đoạn. giai đoạn đầu 5000 khách là 2,6 triệu. Giai đoạn 2 là 3,6 triệu. Giai đoạn 10.000 thẻ là 4,6. Giai đoạn 20.000 thẻ là 6,6 triệu. Những người vào sớm thì vẫn được gia hạn mức thấp”.

Thậm chí, phía công ty còn triển khai thêm cả chính sách chia thưởng cho những thành viên nằm trong Ban tác chiến của tập đoàn và những người đã bỏ tiền mua tiền ảo của công ty. Nếu mời được càng nhiều người mua thẻ thì mức thưởng lại càng gia tăng.

Bà Đặng Đỗ Thu Nga, Phó Tổng Giám đốc truyền thông Tập đoàn Triệu nụ cười: “Nếu như trợ duyên từ 1-10 thẻ thì sẽ được nhận quyền lợi sẽ được 200K/thẻ. Trợ duyên từ 11-30 thẻ thì được 250K/thẻ. Nếu trên 30 thẻ thì được 310K/thẻ”.

Trong buổi khai trương cửa hàng ở Thái Bình, người phụ nữ tự giới thiệu nằm trong Ban tác chiến của tập đoàn, không quên hứa hẹn chia tiền thưởng nếu mời được người khác tham gia sở hữu thẻ tiêu dùng của công ty. Việc mời người khác tham gia như vậy được gọi bằng một từ khác là “trợ duyên”.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch phân tích: “Bản chất thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là mô hình Ponzi. Tức là lấy của người sau trả cho người trước. Sử dụng thủ đoạn này anh phải đề ra mức lợi nhuận. nếu kéo được nhiều người chơi thì tăng được nhiều hoa hồng. Trả hoa hồng cao là lôi kéo được càng nhiều người chơi thì càng tốt. Rủi ro ngay lập tức sẽ đến khi không có người chơi sau vào hệ thống nữa. Thì hệ thống này sẽ vỡ”.

Người đàn ông này tự giới thiệu, hiện đang là chi hội trưởng hội nông dân của thôn nên việc giới thiệu người tham gia mua thẻ tiêu dùng cũng dễ tạo được sự tin tưởng. Nhưng điều quan trọng nhất, theo người này, để thu hút người mua thẻ, bắt buộc phải mở được thêm cửa hàng mới. Khi đã củng cố lòng tin vào hệ thống, thì việc mời người mới tham gia cũng dễ dàng hơn.

Theo cơ quan điều tra, việc mở chuỗi cửa hàng dân sinh không hề mang lại lợi nhuận, thậm chí còn lỗ vốn. Tuy nhiên, việc duy trì chuỗi cửa hàng này lại giúp đối tượng cầm đầu tạo được vỏ bọc để lôi kéo người khác tham gia.

Sau khi Tổng Giám đốc Công ty bị bắt, hoạt động quảng cáo, thu tiền bán thẻ của những người dân tham gia vẫn tiếp tục diễn ra. Địa chỉ nhận chuyển tiền là tài khoản cá nhân của một Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách khối An sinh của Tập đoàn.

Khi nụ cười đã tắt

Đến thời điểm hiện tại, sau khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty “Triệu nụ cười” được cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ thì tại một số nơi, người dân đã đến cửa hàng để đòi quyền lợi. Chẳng hạn như tại cửa hàng dân sinh của công ty ở thị trấn Trà Lân, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Người dân tập trung trước Cửa hàng của Công ty Triệu nụ cười ở thị trấn Trà Lân, huyện Con Cuông (Nghệ An)

Trong một diễn biến khác, bỏ qua những lời cảnh báo của cơ quan công an, nhiều người vẫn tin tưởng và tiếp tục chuyển tiền cho các cá nhân để sở hữu thẻ tiêu dùng của Công ty “Triệu nụ cười” phát hành. Trong khi thực tế, với nhiều người, nụ cười đâu chẳng thấy mà đổi lại chỉ nhận về sự thất vọng và những trái đắng, kể từ khi tham gia hợp tác làm ăn với doanh nghiệp này.

Bản tổng hợp chi phí đầu tư cho cửa hàng dân sinh “Triệu nụ cười” đầu tiên ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội có tổng mức lên đến hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài chi phí xây dựng cơ bản; chi phí thiết bị lắp đặt sử dụng; hàng hóa cấp bán thì chi phí sản xuất thẻ, viết phần mềm vận hành là chi phí lớn nhất.

Người đàn ông từng được Chủ tịch Tập đoàn “Triệu nụ cười” bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc Nông nghiệp của đơn vị nhưng nay lại là người viết đơn tố cáo sau quá trình làm việc.

Ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn “Triệu nụ cười” nói: “Tôi đứng ra in thẻ, làm phần mềm, setup và tính toán lãi lỗ. Đưa hàng hóa vào. Tôi làm tất tần tật siêu thị nhưng mới thanh toán cho tôi được 400 triệu đồng… Tại sao bán 2,6 triệu? Dùng số tiền đấy để quay vòng để phát triển tiếp các siêu thị. 600 ngàn đồng để chia lại cho các tầng lớp để số tiền đấy mọi người có tiền chạy đi chạy lại. Chưa ai nhận được một đồng lương nào cả, ngay cả tôi cả một năm cũng chưa nhận được số tiền nào luôn”.

Vì tập đoàn nợ tiền, nên những nhóm thợ từng nhận công việc thiết kế và trực tiếp thi công cho cửa hàng dân sinh nay đang bị mắc kẹt.

Khi nụ cười trên gương mặt của những người này đã tắt. Thì hàng ngày, ở nhiều nơi vẫn có rất nhiều người hồ hởi tham gia mua thẻ tiêu dùng của hệ thống cửa hàng dân sinh “Triệu nụ cười”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nhóm phóng viên chuyển động 24h

Thêm từ tác giả

Yếu Tố Tạo Lên Thương Hiệu – Tầm Quan trọng Của Thương Hiệu Trong Marketing

Sinh Viên Đại Học FPT Mất 8 Tỷ Vụ Mr Píp và Những Vụ Lừa Đảo Sinh Viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *