Quan Thế Dân
Bác sĩ, Tiến sĩ Y học
Một hình ảnh vô tình in vào tâm trí khiến tôi thổn thức mãi.
Đó là câu chuyện về ngõ hẹp của Sài Gòn, có gia đình cha bỏ đi từ lâu, mẹ mất vì Covid-19, đứa con gái 9 tuổi thành mồ côi. May có nhà hàng xóm ở đối diện đón về nuôi. Đứa bé cứ buổi chiều lại nhìn sang căn nhà trước mặt nay không còn ai, khóc và gọi “Mẹ ơi”.
Đọc đến đây tôi đã khóc, không dám đọc tiếp nữa.
Trong mỗi chúng ta, dù còn trẻ hay già, đều thường trực trong tim tình thương của mẹ. Tôi may mắn được sống bên mẹ gần 60 năm nhưng vẫn thấy mất mát vô cùng khi mẹ đi xa.
Ký ức xa nhất mà tôi nhớ về mẹ là khi ba tuổi. Tôi đang đứng chơi trước nhà, nhìn thấy mẩu mía ai vứt trên hè, kiến đen bu đầy, bèn nhặt lấy ngâm vào chậu quần áo rửa cho hết kiến. Tôi cầm khẩu mía ra hè vừa gặm vừa ngắm đường phố ngon lành. Bỗng có ai giằng lấy khẩu mía, đánh vào tay tôi. Thì ra là mẹ. Mẹ giận dữ vứt khẩu mía đi và mắng tôi một tràng, chắc vì tôi ăn bậy. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác ngẩn ngơ.
Sau đấy mấy năm, Mỹ ném bom Hà Nội. Bố tôi theo Viện nghiên cứu Đông y trung ương đi sơ tán, tha theo ba anh em chúng tôi. Tôi sơ tán ở huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc, gần phố Thắng. Ở nơi sơ tán, tôi nhớ mẹ vô cùng. Tôi nhớ nhà, nhớ phố Quán Sứ với bóng sấu già xanh thẫm.
Vào lớp một ở nơi sơ tán, mỗi tuần bố về Hà Nội lấy đồ tiếp tế, tôi lại viết thư gửi mẹ. Thư tôi viết cũng dài, giấy cắt ở vở ra. Tôi không biết mẹ có nhớ tôi không, thư tôi viết mẹ có cảm động không. Tôi vẫn định hôm nào sẽ ôn chuyện đó với mẹ, thế rồi vô tâm cứ quên, để bây giờ muốn kể thì mẹ đã khuất bóng.
Năm 2007, tôi đón mẹ vào TP HCM để mổ thay cổ xương đùi. Mẹ bị ngã gãy cổ xương đùi ở Hà Nội, nhưng các bệnh viện không mổ, chỉ cho nằm bất động uống thuốc giảm đau. Tôi đưa cả bố mẹ vào và thay cổ xương đùi nhanh gọn. Mẹ ra viện, tự đi lại trong phòng. Đấy là một trong những ngày hạnh phúc của đời tôi. Bố mẹ mạnh khỏe, cả nhà quây quần bên nhau.
Trong một bữa cơm, tôi nhắc lại kỷ niệm ngày bé đi sơ tán để làm chuyện vui. Rằng không hiểu sao mấy anh em chúng tôi ngày ấy lúc nào cũng trong tình trạng đói. Tôi đang đi chơi, chạy về bảo bà nội, bà ơi cháu đói quá. Bà bảo chưa đến bữa, thế là tôi lại thất thểu đi chơi tiếp. Nhìn thấy đứa con chủ nhà ăn khoai luộc ngon quá, tôi đem ô tô đồ chơi gạ đổi lấy khoai. Thế là mẹ giàn giụa nước mắt, mắng bố: “Tôi để ông mang các con đi sơ tán, thế mà ông để con đói khát thế à?”. Tôi phì cười vì hai ông bà đã gần tám mươi cãi nhau bởi chuyện xảy ra hơn 40 năm trước. Nhưng tôi chợt nhận ra, mẹ thương chúng tôi biết chừng nào.
Năm cuối đời, mẹ bị tai biến mạch não, hôn mê. Các bác sĩ vào khám đều phán rằng mẹ sẽ sống thực vật. “Sống thực vật tức là mẹ cứ nằm yên thế này mãi hả anh?”, em gái tôi hỏi. Tôi bảo: “Ừ, có sao đâu”. May mắn sau đó mẹ đã tỉnh lại, nhận biết, nhưng không nói được vì bị mở khí quản. Không sao, chỉ cần mẹ sống, mẹ cứ nằm đấy tỏa bóng mát cho đời con là được, để con đi đâu cũng vội về nhà vì biết có mẹ đang đợi. Thế mà mẹ chỉ ở thêm với tôi được một năm rồi vĩnh viễn chia tay.
Khi đại dịch đau thương này xảy ra, tôi đã vào miền Nam chống dịch. Những nỗi đau mất mát có sự liên thông với nhau. Tôi vừa trải qua nỗi buồn mất người thân nên tâm hồn chia sẻ tự nhiên với mất mát của người khác. Tôi tự nhủ, nếu chẳng may mình nhiễm Covid rồi chết thì cũng như được về với mẹ, có gì đáng sợ đâu. Nhưng có lẽ mẹ che chở nên tôi đã từ tâm dịch quay về. Những ngày đầu trở về miền Bắc, đêm ngủ tôi vẫn mơ toàn chuyện cấp cứu, sáng vẫn giật mình tỉnh giấc lúc trời còn mờ tối. Chắc phải một thời gian những ký ức đậm nét kia mới lắng xuống.
Dịch bệnh để lại quá nhiều đau thương. Hơn 23.400 người tử vong, hàng nghìn trẻ em mất cha mẹ. Hôm nay, cả nước cầu siêu cho đồng bào ra đi vì Covid. Tôi lại nhớ hình ảnh cô bé con đứng ở nhà hàng xóm nhìn về chính tổ ấm của mình mà khóc. Mẹ với mỗi người là cả bầu trời thương nhớ. Cô bé gọi đúng một câu “Mẹ ơi” là đang mong mẹ cùng bầu trời kỷ niệm quay về.
Hy vọng trong đêm đại lễ cầu siêu này, ở trên cao kia có linh hồn mẹ của em và những người đã ra đi trong đại dịch, chứng nhận cho lòng thương nhớ của người còn sống, và bằng cách nào đó làm cho người ở lại yên lòng mà sống tiếp.
Dịch rồi sẽ qua, nhưng khắc khoải còn lâu mới nguôi ngoai. Tôi mong nguyện cầu của chúng ta, bằng tình nghĩa đồng bào, sẽ dần xoa dịu những vết thương ở rất sâu.
Quan Thế Dân
Nguồn:https://vnexpress.net/nho-me-4387773.html