Nguyễn Dương
Chuyên gia trải nghiệm khách hàng
Ngày bình thường bạn chỉ thấy tính cách, ngày bất thường bạn mới có thể thấy phẩm chất của một người.
Hồi mới ra trường 23 năm trước, gặp mấy ông hay lý luận phức tạp, tôi nghĩ ngay trong đầu, “ông này với mình không hợp nhau”. Gặp những người mà chuyện vui như Tết, bên nói, bên khen, tôi rất phấn chấn, thầm quả quyết, “đó là sự phù hợp, chắn chắn rồi”.
Đến khi một đứa khá thân trong số “phù hợp” rủ khởi nghiệp chung, tôi góp 20 triệu thành lập công ty, số tiền không nhỏ với tôi lúc bấy giờ. Tôi nằm trong hội đồng quản trị không điều hành, hàng ngày vẫn làm thuê cho một công ty Mỹ. Người bạn điều hành công ty. Gần hai thập kỷ nay, công ty luôn báo cáo lỗ hoặc không có lãi bao giờ với cổ đông, dù quân số tăng lên hàng trăm người. Tôi nhận ra, định nghĩa ngây thơ của mình về sự phù hợp sai toét.
Năm 2005, đi học sau đại học ở Canada, lớp tôi có 30 người đến từ 14 nước. Học viên dành gần như cả ngày với nhau từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy thường hội thảo và chủ nhật họp nhóm hoặc tiệc tùng.
Lúc đầu, tôi không thoải mái vì mọi thành viên khác nhau nhiều thứ, từ giọng nói, sở thích, cách đưa ra vấn đề khi thảo luận, món ăn, đến phong cách giao tiếp. Mất vài tháng nản lòng, nhớ nhà vì cảm giác cô độc, dần dần tôi nhận ra, môi trường mỗi người một kiểu là môi trường rất thú vị. Nó kích thích sáng tạo thể hiện qua các bài tập nhóm, dự án nhóm và cả khi đi chơi. Sau này, làm việc cho các công ty đa quốc gia, tôi càng cảm nhận rõ điều này.
Vậy, người phù hợp để làm việc hiệu quả phải khác nhau. Sáng tạo cần sự va đập của những ý tưởng, góc nhìn khác biệt để bật ra ý tưởng mới. Nôm na là phải có cãi nhau, tranh luận, chứ cả nhóm đều nghĩ giống nhau, người này nói, người kia gật đầu vỗ tay thì ra khỏi phòng họp vẫn chỉ có những ý tưởng như trước lúc bước vào.
Rồi tôi gặp một sếp, anh làm CEO, tôi phụ trách chiến lược. Họp với nhau lần đầu, thấy suy nghĩ rất khác nhau, tôi đã nghĩ, chuẩn luôn quan niệm về sự phù hợp của mình. Chỉ sau hai tháng, tổng kết được sáu chương trình kinh doanh, thì cả sáu sếp và tôi đều có quan điểm khác hẳn nhau.
“Hợp quá” thế này thì căng.
Tôi cũng muốn sếp vui, nhưng oái oăm là tôi không hứng thú nổi với ý tưởng của sếp, cứ có cái gì đó khiến tôi cảm thấy nuốt không trôi nên không muốn nói ngược mà vẫn phải nói. Tôi tôn trọng sếp nhưng tôn trọng niềm tin của mình hơn, vì niềm tin là sự thật, thật với chính mình.
Tôi không chỉnh được, cũng không “cố” được. Sau đó là tình trạng “tan chảy” – tức gặp nhau không có gì để nói. Nó không phải là sự tranh luận bất nhất mà đó là sự không muốn cất lời. Nhưng cũng chính thời gian đó, tôi ngộ được một số điều thú vị về văn hoá tổ chức và cách nó vận hành.
Định nghĩa “người phù hợp phải khác nhau” của tôi lại sai lần nữa. Vậy, thế nào mới là phù hợp đây?
Ngẫm lại thời gian học với bạn bè từ 14 quốc tịch, va đập ý tưởng với những người rất khác nhưng rồi sau chúng tôi lại thành ekip tốt. Ngay cả ban đầu, có người nói cả nhóm không hiểu lắm, có người trình bày tôi không nghe được nhiều mà vẫn hiểu. Ngôn ngữ, trong nhiều tình huống, không phải công cụ quan trọng nhất để con người hiểu nhau. Như nhiều bằng chứng khoa học, giữa người với người có cái gì khác hơn để kết nối trong công việc, đó là hệ giá trị mà hai bên theo đuổi, cả văn hóa, là “gu” – là cách mà trí tuệ và trái tim cả hai phía vận hành.
Tôi cũng từng tranh luận, thậm chí tranh cãi với các sếp ở các công ty cũ, nhưng hầu hết đều dẫn đến sự đồng cảm, thống nhất và tốt đẹp hơn. Giữa những lần tranh cãi để hiểu nhau hơn và những lần im lặng không thể “cất lời”, cuối cùng tôi tìm ra điều khác biệt của những người phù hợp trong các tổ chức, doanh nghiệp, đồng nghiệp. Đó là điều bao trùm mọi tiêu chí cụ thể về sản phẩm, dự án hay chính sách kinh doanh: là niềm tin và giá trị. Điều này càng trở nên tỏ tường trong những năm tháng làm việc sau này của tôi. Những người tôi gặp mà tương đồng, chúng tôi có thể họp quên thời gian, càng làm việc, chúng tôi càng có nhiều ý tưởng mới.
Chung niềm tin và giá trị thì mọi sự tranh cãi chỉ là nhỏ, và cuối cùng sẽ đến một điểm thống nhất. Do đó, người phù hợp, hoặc vừa vặn, để đồng hành với một cá nhân cũng như một tổ chức là người nên khác ta nhiều thứ nhưng phải cùng niềm tin, giá trị và tầm nhìn.
Người phù hợp với bạn và tổ chức của bạn thì sao?
Nguyễn Dương
Nguồn:https://vnexpress.net/nguoi-phu-hop-4387214.html