Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN – 8) tại Cao Bằng, ngày 14/9, các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị đi khảo sát thực địa 2 tuyến du lịch trải nghiệm trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.
Các đại biểu tham quan, khảo sát tuyến du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” với các điểm di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như Đền Vua Lê, vườn đá Hoàng Tung, hang Ngườm Bốc (Hòa An), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó – nơi gắn liền với sự kiện Bác Hồ về nước 28/1/1941 và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tại Cao Bằng; Thung lũng treo Sóc Giang – nơi lưu giữ được hình thái cũng như các trầm tích nguồn gốc tích tụ bởi hoạt động của sông suối, một số chóp nón đá vôi như mọc ra ở rìa “thung lũng treo” là các mặt trượt đứt gãy, dấu vết của hoạt động kiến tạo cách ngày nay khoảng 10.000 năm; điểm hóa thạch cổ sinh Cúc đá (nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm) ở xóm Lũng Luông, xã Lũng Nặm (Hà Quảng).
Hành trình khám phá tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” với những điểm di sản: Cảnh quan karst trưởng thành và già đặc sắc với cảnh quan hùng vĩ, non nước hữu tình; những danh thắng nổi tiếng thác Bản Giốc – một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới; động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi (Trùng Khánh); hồ Thăng Hen, các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng hương Phia Thắp, làng làm giấy bản Dìa Trên (Quảng Hòa)….
Các đoàn khảo sát được hòa mình cuộc sống thanh bình với những ngôi làng cổ, trải nghiệm những nét văn hóa bản địa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mông, Dao… qua các làng nghề truyền thống, thưởng thức làn điệu hát Then đàn tính, ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng Việt Bắc.
Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là CVĐC Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành CVĐC toàn cầu thứ hai tại Việt Nam. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng chứa đựng nhiều di sản địa chất, địa mạo, cổ sinh với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, có giá trị tầm cỡ quốc tế. Đây là là miền đất mà du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây và khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn. Công tác xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được thực hiện đảm bảo theo các tiêu chí và 6 khuyến nghị của chuyên gia UNESCO trong đợt tái thẩm định Danh hiệu giai đoạn 2022 – 2025.
P.V
Nguồn:baocaobang.vn