Dự thảo lần thứ 5 luật Nhà giáo trình tại phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua đã không còn quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, dù đây từng là nội dung được Bộ GD-ĐT nhiều lần bảo lưu trước những băn khoăn, phản ứng của dư luận.
Lý giải về việc rút quy định về chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo luật Nhà giáo sắp trình Quốc hội, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đại diện ban soạn thảo, cho rằng: “Vì đây là một nội dung mới, cần phải thận trọng nên ban soạn thảo đã không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thí điểm. Có thể nội dung này sẽ được đưa trở lại ở chu kỳ sửa đổi, bổ sung luật”.
Tại dự thảo công bố lần đầu vào tháng 5.2024, quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo được quy định tại các điều 15, 16 và 17. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Chứng chỉ hành nghề được cấp cho nhà giáo đạt chuẩn đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện theo quy định và có nhu cầu.
Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.
Quy định này đã vấp phải phản ứng gay gắt của cả nhà giáo và dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là một dạng “giấy phép con” sẽ sớm phát sinh bất cập với cơ chế “xin – cho” như hiện nay, tạo sự khó khăn thêm cho thầy cô giáo”.
Điều bất hợp lý còn ở chỗ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (mẫu giáo) hoặc đại học sư phạm (giáo dục phổ thông)… có bằng cử nhân sư phạm tại sao vẫn chưa đủ điều kiện hành nghề nhà giáo? Vậy tại sao không để trường sư phạm làm nốt “kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề” cho trọn vẹn khâu đào tạo nhà giáo?
Thời điểm đó, trả lời những thắc mắc này của PV Thanh Niên, Cục trưởng Vũ Minh Đức cho rằng, muốn trở thành nhà giáo, cần có 3 yếu tố. Thứ nhất, kiến thức chuyên môn đối với những môn học mình sẽ giảng dạy. Thứ hai, nghiệp vụ sư phạm, hiểu rõ về phương pháp giảng dạy, tâm sinh lý của người học và nghiệp vụ sư phạm. Thứ ba, kỹ năng giảng dạy – yếu tố này rất là quan trọng. Có những người đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng kỹ năng giảng dạy không có.
Cũng theo ông Đức, có 2 nguồn để trở thành giáo viên: thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm. Thứ hai, người tốt nghiệp trường khác đạt trình độ đào tạo theo quy định và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì được tuyển dụng làm nhà giáo. Tất cả các đối tượng trên đều phải thực hiện tập sự trong thời gian 1 năm, sau đó được đánh giá, nếu hoàn thành việc thực tập thì được cơ quan tuyển dụng.
Theo ông Đức, kể cả người tốt nghiệp sư phạm và người chưa tốt nghiệp sư phạm, trước khi hành nghề cần có một quá trình đào tạo, tạm gọi là đào tạo nghề. Đối với những nội dung đào tạo nghề, cấu trúc của mô đun đào tạo nghề sẽ có những mô đun đã được giảng dạy trong trường đại học.
Nếu là sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm tham gia khóa đào tạo nghề, thì những nội dung đã được đào tạo trong chương trình ở các trường sư phạm sẽ không phải học và sẽ rút ngắn thời gian đào tạo nghề để có thể sớm được cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy, có sự phân biệt giữa sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và không tốt nghiệp các trường sư phạm trong quá trình cấp giấy chứng nhận hành nghề.
Còn ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thì nhấn mạnh: “Chứng chỉ hành nghề không phải nhằm tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ đối với nhà giáo mà để phát triển nhà giáo. Một nhà giáo có nhiều chứng chỉ theo nhu cầu và năng lực của nhà giáo đó. Ví dụ, một nhà giáo đủ điều kiện thì có thể không chỉ có chứng chỉ dạy ở bậc mầm non mà có thể dạy ở cấp học cao hơn và ngược lại. Trong lúc chúng ta đang tinh giản đội ngũ công chức, viên chức thì một người có thể làm được nhiều việc nếu họ có năng lực và đáp ứng đủ điều kiện”.
Những nội dung chưa được đồng thuận cao sẽ đưa ra khỏi dự thảo luật
Dự kiến, dự thảo luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Bộ GD-ĐT cho biết tiếp tục tổng hợp các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo mối tương quan với các ngành nghề khác và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước để chỉnh sửa trong dự thảo luật trước khi trình Quốc hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội là: những vấn đề gì đã chín, đã rõ, đồng thuận cao thì đưa vào luật; đưa các nội dung chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng hoặc các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao ra khỏi dự thảo luật.
Tuệ Nguyễn– lamtue@gmail.com
Nguồn:thanhnien.vn