Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng, chỉ số VN-Index tăng 4,51 điểm hay giá xăng và dầu cùng tăng 990-1.260 đồng, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 10/10.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ, phiên 10/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.172 VND/USD, tăng 04 đồng so với phiên trước đó.
Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.330 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.840 VND/USD, giảm tiếp 05 đồng so với phiên 09/10.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.250 VND/USD và 25.350 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 10/10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm từ 0,03 – 0,06 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 3,31%; 1 tuần 3,50%; 2 tuần 3,70 và 1 tháng 3,97%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,84%; 1 tuần 4,89%; 2 tuần 4,93%, 1 tháng 4,95%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp đi ngang ở các kỳ hạn 3 năm và 10 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên với: 3 năm 1,88%; 5 năm 1,90%; 7 năm 2,15%; 10 năm 2,66%; 15 năm 2,86%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 451,94 tỷ đồng, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số tiếp tục lình xình quanh các mốc tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index tăng 4,51 điểm (+0,35%), lên mức 1.286,36 điểm; HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,21%) về 231,29 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,12 điểm (+0,13%) đạt 92,57 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ với giá trị giao dịch đạt gần 19.800 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 515 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Giá xăng và dầu cùng tăng 990-1.260 đồng từ ngày 10/10 sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 19.846 đồng/lít (tăng 996 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); xăng RON95-III: 21.061 đồng/lít (tăng 1.258 đồng/lít); dầu điêzen 0.05S: 18.500 đồng/lít (tăng 1.099 đồng/lít); dầu hỏa: 18.790 đồng/lít (tăng 1.139 đồng/lít); dầu madút 180CST 3.5S: 15.911 đồng/kg (tăng 908 đồng/kg). Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 20 lần tăng, 20 đợt giảm, giá dầu tăng 17 lần, hạ 23 lần.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Trước hết, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi lần lượt tăng 0,3% so với tháng trước và 0,2% so với tháng trước trong tháng 9, đều bằng mức tăng của tháng trước đó và cùng cao hơn dự báo ở mức 0,2% và 0,1%. Đây là mức CPI thấp nhất kể từ tháng 2/2021. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tăng 2,4% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 2,5% của tháng 8 nhưng cao hơn mức tăng 2,3% dự báo của thị trường.
Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần từ 30/09 đến 04/10 ở mức 258 nghìn đơn, cao hơn mức 225 nghìn của tuần trước đó và dự báo ở mức 231 nghìn. Đây là con số cao nhất trong gần 1 năm qua, chủ yếu là do tác động của Bão Helene và đình công của người lao động Hãng Boeing, được các chuyên gia đánh giá chỉ là các yếu tố tạm thời. CPI ở mức thấp cùng với thị trường lao động ổn định khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 giảm nhẹ giúp mở đường cho đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và bổ sung vào dòng dữ liệu kinh tế khả quan xuất hiện trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Doanh số bán lẻ của Đức tăng trong tháng 8, nối tiếp đà tăng của tháng trước đó. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Destatis, doanh số bán lẻ nước này tăng 1,6% so với tháng trước trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 1,5% của tháng 7 sau khi giảm 4 tháng liên tiếp trước đó. Trong đó, bán lẻ thực phẩm tăng 1,9% và phi thực phẩm tăng 1,1% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ của Đức tăng 2,1%. Tiêu dùng tư nhân góp hơn 50% vào nền kinh tế Đức, trong khi nước Đức là nền kinh tế lớn nhất Eurozone, khiến việc doanh số bán lẻ tăng trong tháng 8 trở nên có ý nghĩa quan trọng.
P.L
Nguồn: MSB Research