(vhds.baothanhhoa.vn) – Nếu Nguyễn Kim là vị công thần khởi sự, dựng nghiệp Trung hưng Nhà Lê thì Trịnh Kiểm – con rể Nguyễn Kim được nhìn nhận là nhân vật đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của sự nghiệp Trung hưng. Ông cũng là người đặt nền móng cho cơ nghiệp họ Trịnh – mở ra một thời kỳ “Vua Lê – Chúa Trịnh” đặc biệt trong lịch sử dân tộc.
Ở bài viết “Các võ tướng họ Trịnh” trong sách Văn tài võ lược xứ Thanh, tác giả Trịnh Hoành đánh giá khái quát: “… Trịnh Kiểm cũng như hậu duệ của ông đều là những võ tướng tài ba, tôn phò nhà Lê. Các chúa Trịnh đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp Trung hưng và bảo vệ ngôi báu lâu dài cho các vua Lê; vì vậy cũng luôn tỏ ra công thần, thâu tóm quyền bính, lấn át cả vua Lê, khiến vua Lê dù ở ngôi chí tôn song chỉ là hư vị. Lịch sử nước Đại Việt trong suốt 242 năm tồn tại một thực trạng như thế, sử sách và Nhân dân ta thường gọi là thời “Vua Lê – Chúa Trịnh”. Một đất nước vừa có vua (hoàng đế) lại vừa có chúa (vương chủ), giai đoạn lịch sử ấy bắt đầu từ khi Trịnh Kiểm được nắm quyền Đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư, tước Lượng (hay Lạng) Quốc công (tháng 8 năm Ất Tỵ – 1545)”.
Theo sử liệu, Trịnh Kiểm sinh năm 1503 (có tài liệu viết ông sinh năm 1504) ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (thời Lê) – nay là làng Sóc Sơn, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc). Tương truyền, từ khi sinh ra, cậu bé Kiểm đã mang nhiều nét quý tướng.
Tuy gia cảnh khó khăn song Trịnh Kiểm từ nhỏ được người cậu ruột cũng là người xuất chúng dạy dỗ cẩn thận, nên sớm văn võ toàn tài. Ngay cả khi mới chỉ là cậu bé chăn trâu thuê cho người làng thì Trịnh Kiểm vẫn thường là thủ lĩnh, dẫn đầu đám trẻ mục đồng bày trò bẻ bông lau, cưỡi trâu đánh trận.
Sinh ra và lớn lên vào thời tao loạn. Bấy giờ, An Thanh hầu Nguyễn Kim sau thời gian ở đất Ai Lao lánh nạn và chiêu mộ binh mã, gây dựng thanh thế đã tìm được con của vua Lê Chiêu Tông và đưa lên ngôi – tức Lê Trang Tông. Nguyễn Kim được tôn phong là Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công, trưởng nội ngoại sự. Sau một thời gian ở đất Ai Lao, khi binh lực dần mạnh, Nguyễn Kim đã rước vua về Tây Đô. Từ đây, hào kiệt bốn phương tìm về dốc sức nghiệp Trung hưng ngày càng đông, trong đó có Trịnh Kiểm.
Thấy Trịnh Kiểm là người có tướng mạo khác thường, sức khỏe cường tráng nên Nguyễn Kim đã bằng lòng thu nhận. Với tài năng văn võ, thông minh, mưu lược nên không bao lâu thì Trịnh Kiểm đã được Nguyễn Kim tin tưởng, thường cho cùng tham gia đánh trận, lập nhiều công trạng, được vua Trang Tông phong tước quận công, chức đại tướng quân. Cũng bởi mến tài Trịnh Kiểm, Nguyễn Kim đã gả con gái yêu là Ngọc Bảo cho ông.
Năm 1545, khi sự nghiệp Trung hưng nhà Lê còn dang dở thì Nguyễn Kim bị ám hại. Tháng 8 năm ấy, Trịnh Kiểm thay quyền Nguyễn Kim, được vua Lê phong chức Đô tướng tiết chế quân thủy bộ các xứ, kiêm Bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư, tước Lượng Quốc công. Từ đây, mọi binh quyền, công việc trong nước, trù tính việc quân cơ đều có thể quyết trước, sau mới tâu vua.
Năm 1546, sau khi nhà Lê làm chủ được đất Thanh – Nghệ, Thái sư Trịnh Kiểm tìm về đất Vạn Lại (thuộc huyện Thọ Xuân ngày nay), ông cho rằng: “Lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại núi đứng sững, nước uốn quanh thực đáng gọi là hình thế đẹp. Đó là nơi trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương… bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng dinh ở đó” (Quốc Sử quán triều Nguyễn). Vua Trang Tông về đất Vạn Lại, hào kiệt các nơi tìm về mỗi ngày một đông, cùng chung sức “phù Lê, diệt Mạc”. Trong đó, có nhiều danh sĩ như, Phùng Khắc Khoan; Lương Hữu Khánh… Sự nghiệp Trung hưng mỗi ngày thêm phát triển.
Năm 1553, cho rằng đất Vạn Lại địa thế có phần chật hẹp, đất An (Yên) Trường cách đó không xa, “bên tả có nhiều núi, bên hữu có sông to, hình thế rộng thoáng, cảnh tượng tươi đẹp” nên Thái sư Trịnh Kiểm lại cho dời hành điện vua Lê về đây.
Thái sư Trịnh Kiểm cũng dời hành dinh của mình về đất Biện Thượng (thuộc huyện Vĩnh Lộc ngày nay), chiêu mộ hào kiệt, chỉ huy quân sĩ đêm ngày luyện tập, tích trữ lương thảo… để lo việc lớn. Lực lượng nhà Lê ở đất Thanh Hóa mạnh hơn, danh tiếng của Thái sư Trịnh Kiểm nổi tiếng khắp xa gần.
Tương truyền, năm 1556 vua Trung Tông qua đời, nhà vua lại không có con nối nghiệp. Với quyền lực nắm giữ, Thái sư Trịnh Kiểm cũng nảy ý định để họ Trịnh thay thế nhà Lê. Nghe nói phía Bắc có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người tài giỏi nên cho bề tôi thân tín đến hỏi. Tuy nhiên, Trạng Trình Nguyễn BỉnhKhiêm bấy giờ lại nói “nên tìm thóc cũ mà gieo mạ” và “giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”, thâm ý khuyên một lòng tôn phò nhà Lê để hưởng phúc phận lâu dài. Hiểu được điều đó, Thái sư Trịnh Kiểm đã sai người về đất Bố Vệ (nay thuộc TP Thanh Hóa) tìm con cháu họ Lê là Lê Duy Bang – cháu 6 đời của Lê Trừ (anh trai vua Lê Thái Tổ) để lập lên làm vua, tức Lê Anh Tông.
Tiếp nối cơ nghiệp cha vợ, Thái sư Trịnh Kiểm đã phò tá ba đời vua Lê (Lê Trang Tông; Lê Trung Tông; Lê Anh Tông). Năm Canh Ngọ (1570) ông ốm nặng và qua đời. Trước đó, ông đã được vua Lê phong Thái Quốc công, tôn làm Thượng phụ. Sau khi mất ông được truy tôn là Minh Khang Thái vương.
Trải suốt những năm tháng nắm quyền và làm tướng, dốc lòng cho nghiệp Trung hưng nhà Lê, Thái sư Trịnh Kiểm bên trong lo củng cố triều chính, thu dụng nhân tài, mưu đại sự. Cùng với đó, ông còn nhiều lần trực tiếp tính kế, cầm quân đánh dẹp nhà Mạc. Trong đó, riêng đánh miền Sơn Nam đến 6 lần để giành đất đai, lương thảo cho nhà Lê. Có những năm, ông xuất quân đến 4 lần đánh ra Bắc (1560). Với tài cầm quân, đánh trận, mỗi khi Trịnh Kiểm ra trận, kẻ địch nghe đến tên ông đều không khỏi khiếp sợ.
“Trong đời ông, đại tướng nhà Mạc là Mạc Kính Điển đã 10 lần dẫn quân đến Thanh Hóa đánh quân Lê, nhưng chiến sự giữa hai bên Lê – Mạc cứ giằng co, không bên nào thu được toàn thắng. Nhà Mạc vẫn kiểm soát đất Bắc Hà và giữ Đông Đô – Thăng Long, còn nhà Lê bình định được miền đất từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, lấy Yên Trường – Vạn Lại làm căn cứ Trung hưng” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).
Còn theo sách Danh nhân Thanh Hóa: “Thái sư Trịnh Kiểm tuy chưa lấy được đất Bắc Hà nhưng đã giúp yên được châu Hoan, châu Ái, lấy lại được trấn Hưng, trấn Tuyên. Vốn là một dũng tướng đánh đông dẹp bắc, dũng lược hơn người, lại biết xếp đặt các kế sách để chống giữ, biết trù tính việc lâu dài, khiến cho thế lực nhà Lê ngày một thêm mạnh. Nhà Lê nhờ công phò giúp của Trịnh Kiểm mới Trung hưng được và họ Trịnh lập nên nghiệp chúa nổi tiếng trong lịch sử dân tộc gần 250 năm cũng khởi đầu từ Trịnh Kiểm”.
Trông coi di tích quốc gia Phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) nhiều năm, ông Trịnh Văn Sơn, con cháu dòng họ Trịnh tự hào: “Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm là nhân vật lưu danh sử sách. Hằng năm, vào ngày giỗ cụ – lễ hội Phủ Trịnh, con cháu dòng họ Trịnh trên khắp mọi miền đất nước và du khách gần xa lại tề tựu về di tích Phủ Trịnh để thắp nén tâm hương, thành kính tưởng nhớ công lao tiền nhân”.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Văn tài võ lược xứ Thanh; Danh nhân Thanh Hóa và một số tài liệu sử).
Bài và ảnh: Trang Bùi
Nguồn:vhds.baothanhhoa.vn