Dòng họ này nằm trong top những dòng họ phổ biến nhất ở Việt Nam. Theo sử sách chép lại, những thế hệ đầu tiên của họ thường mang tên các loài cá. Nguyên nhân vì đâu?
Ở Việt Nam, họ Trần là dòng họ đông thứ hai, chỉ sau họ Nguyễn. Theo Thống kê các họ người Việt Nam năm 2022, họ Trần chiếm đến 10,9% dân số nước ta. Nhưng có thể nhiều người không biết, đây là một họ có rất nhiều điều đặc biệt.
Những thế hệ đầu tiên của họ Trần được đặt tên dựa trên các loài cá quen thuộc. Ví dụ: Trần Lý (cá chép), Trần Thừa (cá dưa), Trần Liễu (cá leo), Trần Cảnh (cá lành canh)…
Tại sao lại có sự đặc biệt như vậy? Lý do là bởi họ Trần thường sinh sống ở khu vực cửa sông ven biển, chuyên làm nghề chài lưới. Cuốn “Việt Nam – Kho tàng dã sử” của tác giả Vũ Ngọc Khánh, vào khoảng thế kỷ XII, họ Trần đã bắt đầu kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá rồi ngày càng thịnh vượng, làm quan dưới các triều đại và sau này có cho mình một vương triều rực rỡ.
Hoàng hậu Trần Thị Dung của vua Lý Huệ Tông vốn có tên là Ngừ (cá ngừ). Bà chính là hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, mẹ của Lý Chiêu Hoàng. Sau khi nhà Trần được thành lập, hoàng thái hậu Lý Trần Thị Dung cũng bị phế ngôi. Vua Trần Thái Tông nể tình bà từng là hoàng hậu tiền triều nên phong làm Linh Từ quốc mẫu (cách gọi khác của hoàng hậu). Về sau bà Lý Trần Thị Dung tái hôn với Trần Thủ Độ. Khi qua đời bà được nhân dân lập đền thờ, gọi là “bà chúa Ngừ”.
Trên thực tế, thật khó để xác định nhà Trần có từ khi nào vẫn chưa ai xác định được. Có ý kiến tin rằng họ Trần ở Việt Nam có trước cả họ Trần ở Trung Quốc. Lịch sử nước ta có bà Man Thiện (Trần Thị Đoan), thân mẫu của Hai Bà Trưng. Bà từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công nguyên.
Nhưng theo cuốn “Gia phả họ Trần” do Trần Ích Tắc biên soạn thì cụ tổ họ Trần là Trần Tự Minh. Ông thuộc nhóm tộc người Bách Việt ở đất Mâm (Phúc Kiến – Trung Quốc ngày nay). Trần Tự Minh là người đã giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, được vua phong làm Phương Chính Hầu.
Sau này bất bình với việc Tần Thủy Hoàng tiến đánh các tộc người Bách Việt, Trần Tự Minh đã về phía Nam chống lại quân Tần. Ông cùng Cao Lỗ trở thành trụ cột của An Dương Vương. Đến khi An Dương Vương mất nước, Trần Tự Minh về sống ở vùng Kinh Bắc (tức Bắc Ninh ngày nay).
Trải qua hàng nghìn năm, họ Trần đã và đang đóng góp rất nhiều cho Việt Nam. Họ không chỉ có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân nổi tiếng mà còn có cả một triều đại hùng mạnh trong lịch sử phong kiến nước ta.
Theo S.H/SHTT
Nguồn:kienthuc.net.vn